Theo "Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2023" của Bộ Công Thương, thương mại biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc năm 2023 đạt 42,7 tỷ USD, tăng 63,9% so với năm 2022. Không sôi động như hoạt động xuất nhập khẩu biên giới với Trung Quốc, thương mại biên giới giữa Việt Nam và Lào năm 2023 cũng đạt 1,57 tỷ USD trong khi giao thương biên giới với Campuchia năm 2023 đạt 6,14 tỷ USD.
Bên cạnh đó, kinh tế vùng biên nhộn nhịp, đã góp phần nâng cao đời sống của người dân địa phương, an ninh biên giới được giữ gìn, củng cố.
Để có được những kết quả đáng khích lệ, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực từng bước hoạch định, phân giới cắm mốc, giải quyết tốt các vấn đề biên giới trên đất liền với các nước láng giềng núi liền núi, sông liền sông, chung nhau tiếng gà gáy sáng.
Ngày 27/5/2024, tổ chức Lễ công bố mở chính thức đường chuyên dụng vận chuyển hàng hoá khu vực mốc 1088/2-1089 và một số lối thông quan thuộc cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Việt Nam) - Hữu Nghị Quan (Trung Quốc) Ảnh minh hoạ (Nguồn TTXVN)
Biên giới không chỉ là ranh giới pháp lý quốc tế, nơi sinh tồn của dân tộc Việt Nam, mà còn là không gian hợp tác, giao lưu với các nước trên thế giới, đặc biệt là với các nước láng giềng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh...
Trong đó, hợp tác cùng phát triển kinh tế vùng biên có vai trò đặc biệt quan trọng trong duy trì môi trường hòa bình, ổn định không chỉ ở địa phương có biên giới mà còn trong tổng thể mối quan hệ song phương.
Theo thông tin tại website của Ủy ban biên giới quốc gia, trên biên giới Việt - Lào có tổng số 33 cặp cửa khẩu đang hoạt động, trong đó có 9 cặp cửa khẩu quốc tế, 6 cặp cửa khẩu chính và 18 cặp cửa khẩu phụ tạo thuận lợi giao thương khu vực, quãng thời gian và chi phí rút ngắn rất nhiều so với các quốc gia trong khu vực châu Á và thế giới.
Trong tương lai, việc hoàn thành hai dự án đường cao tốc Hà Nội - Vientiane và đường sắt Vũng Áng - Vientiane được kỳ vọng giúp giao thương với Lào trở nên nhanh chóng hơn, giảm chi phí giao hàng, giảm giá thành.
Đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc tiếp giáp giữa bảy tỉnh của Việt Nam với tỉnh Vân Nam và khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây của Trung Quốc. Theo Hiệp định về Cửa khẩu và quy chế quản lý cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc ký ngày 18/11/2009, trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung có 22 cặp cửa khẩu. Đến nay năm 2024, hai bên đã mở được 19 cặp cửa khẩu.
Biên giới trên đất liền Việt Nam và Campuchia đi qua biên giới 9 tỉnh của Campuchia và 10 tỉnh của Việt Nam. Việt Nam hiện giữ vững vị trí đối tác thương mại lớn thứ ba và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Campuchia.
Trong quá trình phát triển kinh tế biên mậu còn nhiều khó khăn cần được quan tâm tháo gỡ, mà một trong những “điểm nghẽn” lớn nhất là vốn đầu tư phát triển thiếu và bị phân tán, dàn trải. Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại hiện đại cũng chưa theo kịp sự phát triển chung như trung tâm logistics, kho hàng, chợ, trung tâm thương mại phân bố không đều, chưa tương thích với quy mô, đầu tư phát triển của các nước láng giềng…
Nhưng với những chủ trương, chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế vùng biên, công tác biên giới đã và đang ngày càng gắn chặt với công cuộc phát triển của đất nước. Công tác biên giới kết hợp hài hòa giữa nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của tổ quốc gắn với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của địa phương và đặc biệt là người dân vùng biên giới tổ quốc.
Hồng Như