Kỳ 1: Hoạt động thương mại qua biên giới - thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội
Những năm qua, kinh tế biên mậu, hoạt động thương mại qua biên giới dưới các hình thức xuất - nhập khẩu hàng hoá qua biên giới; buôn bán tại các chợ (chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu) và trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, đã phần nào thúc đẩy sản xuất; nâng cao đời sống người dân,…góp phần phát kinh tế xã hội địa phương.
Vực dậy sau ảnh hưởng Covid-19
Sau 3 năm bị ảnh hưởng, gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, hoạt động hợp tác thương mại biên giới Việt Nam nói chung và tỉnh An Giang nói riêng với nước bạn Campuchia đã sôi động trở lại với việc khôi phục hoạt động thông quan tại các cặp cửa khẩu. Cùng với đó là các cuộc gặp, làm việc chính thức giữa lãnh đạo hai nước, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương truyền thống giữa hai nước nói chung và giữa các tỉnh biên giới của Việt Nam với Campuchia đã diễn ra với nhiều hình thức đa dạng góp phần thúc đẩy thương mại biên mậu giữa hai nước.
Sau đại dịch Covid -19, lưu lượng hàng hóa xuất nhập tại các cửa khẩu tăng rõ rệt.
Tại tỉnh An Giang có đường biên giới dài gần 100km, tiếp giáp 2 tỉnh Kandal và Takeo của Campuchia; là cửa ngõ giao thương quan trọng của quốc gia, các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long tới Campuchia và các nước ASEAN. Hiện An Giang có 2 cửa khẩu quốc tế (CKQT) Tịnh Biên, Vĩnh Xương; 2 cửa khẩu chính Khánh Bình, Vĩnh Hội Đông và 1 cửa khẩu phụ Bắc Đai. Trên địa bàn 5 huyện, thị xã, thành phố biên giới của tỉnh có khoảng 13 chợ biên giới và các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ở biên giới được Tổng cục Hải quan công nhận. Đây là lợi thế của tỉnh trong phát triển thương mại biên giới.
Chợ biên giới cũng là nơi, mua bán trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới và người dân ngoài tỉnh.
Theo đó, An Giang cũng xác định kinh tế biên mậu là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Theo Thiếu Tá – Nguyễn Văn Phát Anh, Chính trị viên Đồn CKQT Tịnh Biên, tại cửa CKQT Tịnh Biên, hoạt động buôn bán hàng hoá qua biên giới nhộn nhip hẳn lên, bao gồm hoạt động: mua bán, trao đổi hàng hoá của cư dân biên giới; buôn bán tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu và chợ trong khu kinh tế cửa khẩu. Bên cạnh đó bao gồm cả hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới theo các phương thức, theo thông lệ buôn bán quốc tế đã được thoả thuận trong các Hiệp định thương mại song phương giữa Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước bạn có chung biên giới. Hàng hoá buôn bán qua biên giới sẽ là tất cả các mặt hàng trừ những hàng hoá cấm xuất và nhập khẩu. Với hàng hoá kinh doanh có điều kiện phải thực hiện theo những quy định tại quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá.
Các ngành chức năng phối hợp kiểm tra chặt chẽ hàng hóa xuất nhập khẩu tại khu vực biên giới.
Cục trưởng Cục Hải quan An Giang – Nguyễn Thanh Toàn cho biết: “ Hiện nay, các mặt hàng xuất khẩu qua Campuchia qua các cửa khẩu An Giang chủ yếu thủy sản, phân bón, sắt thép, quần áo, thức ăn chăn nuôi, gạo,…Hàng nhập khẩu từ Campuchia gồm nguyên phụ liệu may gia công, lúa, phế liệu, cát tự nhiên, quặng sắt,…”. Để đẩy mạnh phát triển kinh tế biên giới, An Giang cũng đã mời gọi các doanh nghiệp thành lập Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long để liên kết hàng hóa cho khu vực, hướng đến xuất khẩu sang thị trường Campuchia; xây dựng các trung tâm logistics nông sản, hệ thống kho lạnh gắn với vùng nguyên liệu nhằm phân loại, sơ chế, bảo quản, nâng cao giá trị và bảo đảm chất lượng nông sản trước khi tiêu thụ, xuất khẩu.
Bãi tập kết hàng hóa nông sản chờ lực lượng chức năng kiểm tra trước khi xuất khẩu.
“Hiện nay, tổng số doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu trực thuộc Cục trong kỳ là 444 doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có 70 doanh nghiệp trong tỉnh, 374 doanh nghiệp ngoài tỉnh. Trong những tháng đầu năm 2024, tại các Chi cục Hải quan cửa khẩu đã thực hiện thủ tục khoảng 18.347 tờ khai, kim ngạch xuất nhập khẩu chính ngạch đạt 851,205 triệu USD (so với cùng kỳ năm 2023, tờ khai tăng 14%, kim ngạch tăng 3%). Tổng kim ngạch hàng hóa đăng ký nơi khác thực hiện xuất qua các cửa khẩu An Giang đạt 648,874 triệu USD giảm 23% so với cùng kỳ 2023; hàng hóa quá cảnh đạt 409,899 nghìn tấn, tăng 123% so với cùng kỳ 2023.” ông Toàn cho biết thêm.
Hàng hóa sau khi được lực lượng chức năng kiểm tra tại các khu tập kết của doanh nghiệp sẽ được làm thủ tục thông quan và xuất khẩu.
Tại Cửa khẩu Quốc gia Khánh Bình là nơi trung chuyển hàng hóa, nông sản nhộn nhịp, hàng hóa được tập kết và xuất sang Campuchia hay quay ngược về TP.HCM và các tỉnh thành trong cả nước. Hiện tại cửa khẩu có 7 bãi kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu được Tổng Cục Hải Quan công nhận, trung bình mỗi ngày có hàng trăm phương tiện chở hàng hóa được làm thủ tục thông quan xuất khẩu hàng hóa. Chi Cục Trưởng Chi Cục Hải Quan Khánh Bình – Hà Văn Trọng chia sẻ: “Nhờ chính sách ưu đãi nên những năm gần đây, hoạt động thương mại biên giới giữa Việt Nam và Campuchia luôn sôi động, hàng hóa phong phú với nhiều chủng loại, nguồn cung cấp dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân hai nước. Đặc biệt đối với người dân vùng biên giới, góp phần thay đổi cuộc sống và phát triển kinh tế”.
Cùng với việc phát triển thương mại biên giới, địa phương cũng quan tâm chăm lo đời sống người dân vùng biên.
Là đầu mối giao thương
Để thúc đẩy phát triển kinh tế thương mại biên giới, Ủy ban dân nhân tỉnh An Giang đã ban hành Kế hoạch, thực hiện nhiều giải pháp theo định hướng “thích ứng an toàn, linh hoạt” hậu COVID-19 để phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, xác định những năm qua là thời cơ và thách thức đan xen, tỉnh đã đề ra mục tiêu tổng quát: Tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “Vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, là điều kiện để người dân, doanh nghiệp yên tâm sinh sống và sản xuất, kinh doanh.
Cửa khẩu Quốc tế Tịnh Biên, góp phần phát triển kinh tế biên mậu của tỉnh.
Giải pháp trọng tâm về phát triển kinh tế là chủ động triển khai Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đây là nền tảng, là cơ sở pháp lý cho việc hoạch định, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong tầm nhìn 30 năm tới. Theo đó, An Giang định hướng phát triển là địa phương phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, dựa trên lợi thế về nguồn nguyên liệu. Mục tiêu đến năm 2030 là tỉnh phát triển khá trong vùng Đồng bằng Sông Cửu Long; kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đồng thời là trung tâm sản xuất nông nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; là đầu mối giao thương, hợp tác quốc tế với Campuchia; là trung tâm du lịch tâm linh và du lịch sinh thái của vùng.
Nhằm thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế khu vực kinh tế biên mậu, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang đã ban hành Đề án “Phát triển thương mại biên giới tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Phấn đấu đạt kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đạt 9 tỷ USD vào năm 2025; trong đó, kim ngạch xuất khẩu qua biên giới tăng trưởng bình quân 10%/năm, chiếm 42-45% trong tổng kim ngạch nhập khẩu toàn tỉnh.
An Giang phấn đấu đạt kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu biên giới đạt 9 tỷ USD vào năm 2025
Đối với hành lang biên giới Tịnh Biên-Châu Đốc-An Phú-Tân Châu tỉnh sẽ tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với hình thành các đô thị biên giới, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Trong đó Khu Kinh tế Cửa khẩu tỉnh An Giang là khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực; là đầu mối giao thương, hợp tác, đầu tư phát triển kinh tế của vùng với Campuchia; là động lực phát triển kinh tế, đô thị biên giới phía tây bắc của tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh An Giang sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế chính sách đặc thù huy động nguồn lực xã hội và bố trí nguồn lực đầu tư thích đáng từ nguồn ngân sách nhà nước trong giai đoạn 2021-2025 để phát triển kết cấu hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu. Đẩy mạnh thực hiện mời gọi đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, từng bước đảm bảo phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế biên giới với mục tiêu đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, thương mại biên giới trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế, đưa An Giang trở thành điểm trung chuyển hàng hóa trọng yếu của Vùng và cả nước tiến tới thị trường các quốc gia ASEAN.
(Kỳ 2: Cải thiện đời sống kinh tế cho người dân vùng biên là yếu tố then chốt cho an ninh biên giới)
Lam Giang - Phong Lê – Nhân Quý