Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương - Hướng về nguồn cội dân tộc

10/04/2022 0:35 (GMT+7)
(KD&BM) - Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3) là lễ hội lớn trong năm nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các vua Hùng - những vị vua đầu tiên của dân tộc. Dù ở bất cứ đâu, người dân Việt Nam vẫn luôn hướng về cội nguồn.

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba

Khắp nơi truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.”

Câu ca dao đậm đà tình nghĩa ấy đã đi vào lòng người dân Việt Nam qua nhiều thế hệ. Hàng ngàn năm nay, Đền Hùng - nơi cội nguồn của dân tộc luôn là biểu tượng tôn kính, linh nghiêm. 

Đền Hùng được đặt trên núi Nghĩa Lĩnh, hay còn gọi là núi Hùng, núi Hy Cương. Nơi đây tương truyền các vua Hùng cùng các Lạc hầu, Lạc tướng tiến hành các nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng phồn thực nông nghiệp của người Việt cổ. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương diễn ra vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. 


Lễ hội Đền Hùng (Ảnh minh họa)

Lễ hội Đền Hùng 2022

Năm nay, với chủ đề “Linh thiêng nguồn cội, Đất Tổ Hùng Vương”, phần Lễ tại Giỗ Tổ Hùng Vương gắn với các nghi thức thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tập trung vào các hoạt động chính: Lễ giỗ đức Quốc Tổ Lạc Long Quân, Lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ ngày 6/4; Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng và Lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ ngày 10/4.

Ngày 8/4/2022, UBND tỉnh Phú Thọ đã tổ chức gặp mặt đoàn đại biểu 30 kiều bào tiêu biểu do đồng chí Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài làm trưởng đoàn, về thăm và dâng hương tưởng niệm các vua Hùng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (Ảnh: TTX)

Bên cạnh các nghi lễ truyền thống, năm nay lễ hội còn quy tụ nhiều hoạt động hấp dẫn như: chương trình nghệ thuật gắn với kỷ niệm 10 năm UNESCO vinh danh “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại; Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy; Hội thi Bơi chải trên Hồ Công viên Văn Lang; màn bắn pháo hoa tầm cao tại Hồ Công viên Văn Lang ngày 9/4…

Hội thi gói, nấu bánh chưng và giã bánh giầy tỉnh Phú Thọ lần thứ IX (Ảnh: TTXVN)

Đặc biệt, năm nay tỉnh Phú Thọ tiếp tục vận động, khuyến khích các gia đình chuẩn bị mâm cơm trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ tiên của dân tộc trong ngày 10/3 âm lịch. Đồng thời, Ban Quản lý Khu Di tích đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân trong thực hành tín ngưỡng theo đúng nghi thức truyền thống; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho người dân và du khách. 

Lịch sử ngày “Giỗ Tổ Hùng Vương”

Huyền thoại Lạc Long Quân và Âu Cơ đã giáo dục chúng ta lòng biết ơn, đặc biệt là ý thức về cội nguồn giống nòi, mối quan hệ máu thịt của người Việt Nam. Hai chữ "đồng bào" đã nói lên điều đó, "đồng" là cùng, "bào" là bọc, "đồng bào" là cùng một bọc. Tất cả chúng ta, dù người miền Bắc, miền Nam, miền Trung, dù người miền núi, miền xuôi, miền biển đều cùng chung một bọc trứng của Âu Cơ. Đó là một mối quan hệ đặc biệt, chỉ dân tộc Việt Nam mới có. Hình ảnh chiếc bánh chưng và câu chuyện về chàng Lang Liêu đã in đậm trong ký ức dân tộc Việt Nam qua bao thế hệ. 

Từ xa xưa Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã có vị thế đặc biệt trong tâm thức của người Việt. Theo những tài liệu hiện nay còn lưu lại, hình thức sơ khai của Ngày Giỗ Tổ đã xuất hiện rất sớm trong lịch sử. Bản ngọc phả viết thời Trần, năm 1470 đời vua Lê Thánh Tông và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa. Những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”.

Sau cách mạng tháng Tám (1945) Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm tới Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều đã về thăm viếng tại đây. Kế tục truyền thống cao đẹp của cha ông, nhất là đạo đức “uống nước nhớ nguồn”, ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh của Chủ Tịch nước số 22/SL - CTN ngày 18 tháng 2 năm 1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương - hướng về cội nguồn dân tộc.

Trong ngày Giỗ Tổ năm Bính Tuất (1946) - năm đầu tiên của Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng - Quyền Chủ tịch nước đã dâng một tấm bản đồ Tổ quốc Việt Nam và một thanh gươm quý nhằm cáo với Tổ tiên về đất nước bị xâm lăng và cầu mong Tổ tiên phù hộ cho quốc thái dân an, thiên hạ thái bình cùng nhau đoàn kết, đánh tan giặc xâm lược, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”

Giỗ Tổ Hùng Vương còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, đồng thời còn là dịp để chúng ta quảng bá ra thế giới về một Di sản vô cùng giá trị đã tồn tại hàng nghìn năm, ăn sâu vào tâm hồn, tình cảm, trở thành đạo lý truyền thống của đồng bào cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài.

Cách đây 68 năm, trên đường về Thủ đô Hà Nội, khi dừng chân ở Đền Hùng, Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu đã căn dặn Đại đoàn Quân Tiên Phong: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời dặn dò của Bác đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Dựng nước đã khó, giữ trọn vẹn đất nước lại càng khó hơn nhiều. Giữ nước không chỉ chống giặc ngoại xâm, giặc thiên tai, mà còn phải giữ được cả bản sắc văn hóa nòi giống dân tộc. Hàng năm, đến ngày giỗ Tổ Hùng Vương, con cháu muôn phương lại về đây leo từng bậc thang dâng lên nén hương, những phẩm vật địa phương hòa mình trong dòng người, trong không gian linh thiêng núi sông tụ khí ở vùng đất Tổ. 

Đến với Đền Hùng, ta được tắm trong màu xanh của cây cối cổ sơ. Những tán cổ thụ cao vút, những cây chò, cây vạn tuế hàng trăm tuổi. Ở đây, ta còn gặp đình Giếng thờ vành giếng tròn đầy đặn như vầng trăng rằm gắn với sự tích của hai nàng công chúa, cùng dấu tích giếng mắt rồng nơi mẹ Âu Cơ ấp trứng phía sau đền. Nước giếng trong vắt chảy ra từ nguồn cội cho ta soi thấy mình trong quá khứ, soi gặp mình trong hiện tại và soi được mình trong tương lai…

Trải qua mấy nghìn năm thăng trầm, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đang và sẽ mãi là dịp để bao trái tim người Việt Nam hướng về cội nguồn "quê cha đất tổ".

Thanh Tuyền (T/h)

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Văn hóa xã hội
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.