Nhiều triển vọng trong tương lai
Sự hình thành và phát triển của các KKT cửa khẩu thúc đẩy phát triển ngành nghề sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, đời sống nhân dân theo đó từng bước được nâng lên... Thông qua hoạt động của các KKT cửa khẩu, sản phẩm của Việt Nam đã chiếm lĩnh thị phần của đa dạng thị trường.
Trong những năm qua các địa phương như Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, An Giang,… không ngừng nâng cấp, mở mới các cặp cửa khẩu, có cơ chế, chính sách hấp dẫn nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn, nhỏ cả trong và ngoài nước, đầu tư vào khu vực biên giới tạo động lực, bước đột phát cho phát triển kinh tế - xã hội vùng biên. Thương mại biên giới được “dự cảm” có nhiều yếu tố thuận lợi như các hiệp định thương mại được ký kết; Cộng đồng kinh tế ASEAN được thành lập; nhiều cơ chế, chính sách mới được ban hành và bắt đầu có hiệu lực như quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới trên đất liền... Với những yếu tố hỗ trợ cho hoạt động kinh tế giữa Việt Nam và các nước Trung Quốc, Lào, Cam-pu-chia trong năm qua, dự báo thương mại biên giới sẽ thuận lợi hơn trong những năm tới.
Tại khu vực cửa khẩu quốc tế, hoạt động xuất - nhập khẩu được thực hiện theo thông lệ và các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, nhằm tạo điều kiện đẩy mạnh hoạt động xuất - nhập khẩu qua các khu vực này. Bên cạnh đó, các chính sách thương mại của Việt Nam cùng với các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trung ương cũng được các tỉnh triển khai thực hiện. Xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới: có danh sách thương nhân, thực hiện thí điểm xuất khẩu. Hoạt động tạm nhập tái xuất hàng hóa qua các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới: một số tỉnh đã ban hành quy định về lựa chọn công bố doanh nghiệp, quản lý hàng hóa, quy hoạch hệ thống kho bãi. Thanh toán biên mậu có nhiều hình thức thanh toán được áp dụng; Hàng hóa trao đổi của cư dân biên giới có hệ thống tham khảo giá.
Bên cạnh đó, nhà nước cũng ban hành các quyết định về thương mại biên giới là cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động thương mại biên giới, nó đã tạo khung khổ pháp lý thúc đẩy phát triển thương mại biên giới. Cơ chế quản lý thương mại biên giới bao gồm: hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới (công dân có hộ khẩu thường trú tại khu vực tiếp giáp biên giới với các nước có chung biên giới); buôn bán tại các chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu; hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới theo các phương thức không theo thông lệ buôn bán quốc tế đã được thỏa thuận trong các Hiệp định thương mại song phương giữa Việt Nam và các nước có chung biên giới.
Còn đó những khó khăn
Bên cạnh những thuận lợi, tại khu vực biên giới ở Tây Nam Bộ thực tế cũng cho thấy điểm chung là cách xa các trung tâm kinh tế lớn của cả nước, kết cấu hạ tầng giao thông thủy, bộ còn nhiều khó khăn. Cùng với đó, hạ tầng kỹ thuật khu vực cửa khẩu, hạ tầng thương mại biên giới còn hạn chế. Hạ tầng phục vụ kinh tế biên mậu chưa đồng bộ, việc thu hút đầu tư hạ tầng KKT gặp nhiều khó khăn... Mặc dù những năm qua được Nhà nước và các địa phương chú trọng, nhưng cơ sở hạ tầng cho thương mại biên giới vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Điểm yếu này làm giảm hiệu quả của thương mại biên giới, tăng chi phí giao dịch, giảm chất lượng hàng hóa do thời gian giao dịch kéo dài.
Tại Long An, dù đã được đầu tư khá bài bản, nhưng hiện nay, mỗi ngày, Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp chỉ có hơn 60 xe container hàng hóa và hơn trăm người qua lại. “Nút thắt” là do quốc lộ 62 nối quốc lộ 1A đi đến Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp dài khoảng hơn 70km nhỏ, hẹp, mặt đường xuống cấp ảnh hưởng lớn đến việc thu hút doanh nghiệp về đầu tư vào KKT cửa khẩu và các khu đô thị trung tâm thị xã Kiến Tường nói riêng, các huyện khu vực biên giới của Long An nói chung. Theo đánh giá, so với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tuyến Quốc lộ 62 thời gian qua cũng không đủ năng lực đáp ứng nhất là việc thu hút đầu tư vào khu công nghiệp trong KKT cửa khẩu. Để Cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp “sôi động” hơn, ngoài hạ tầng tại chỗ cũng cải thiện được tình hình giao thông thì vấn đề cấp bách là sớm đầu tư mở rộng tuyến đường huyết mạch kết nối Quốc lộ 62.
Trong nhiều năm qua, cử tri tỉnh Long An rất nhiều lần kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải, Trung ương sớm nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62. Hiện, Chính phủ có quyết định phê duyệt dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến Quốc lộ tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có tuyến Quốc lộ 62. Theo dự kiến, tuyến Quốc lộ 62 hiện hữu sẽ được nâng cấp, cải tạo thành đường cấp III đồng bằng với mặt đường rộng 11m gồm 2 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ, vận tốc thiết kế 80km/h.
Tại An Giang, phát triển doanh nghiệp tại KKT cửa khẩu còn hạn chế do điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, không hấp dẫn được đầu tư, kinh doanh mang tính thời vụ, quy mô nhỏ, thiếu liên kết. Doanh nghiệp gặp rủi do sự thay đổi chính sách đột ngột của nước bạn và thiếu chủ động trong việc tiếp cận chủ trương, chính sách cũng như dự báo những thay đổi và lường trước rủi ro và phòng tránh. Các chính sách hỗ trợ xuất khẩu cho doanh nghiệp mới chỉ dừng ở cột mốc biên giới, sau khi hàng hóa, doanh nghiệp sang phía nước bạn và khi phát sinh vướng mắc thì doanh nghiệp Việt Nam thường chịu thiệt thòi. Bên cạnh đó, công tác quản lý, thủ tục hành chính tuy đã có nhiều cải thiện nhưng vẫn còn gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp.
Tại các cửa khẩu Quốc tế ở An Giang việc hình thành nơi mua bán hàng hóa miễn thuế để phục vụ nhu cầu của những người xuất, nhập cảnh chưa thật sự hiệu quả. Cùng với đó, địa phương rất cần đầu tư xây dựng phân khu chức năng có cầu cảng sông, có cụm kho để nhận diện hàng hóa qua lại, cần có kho bãi và hạ tầng thích ứng.
Còn tại Tây Ninh Chợ biên giới kiểu mẫu đã được xây dựng với tổng mức đầu tư 2 triệu USD (gần 45 tỷ đồng), từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Campuchia. Đây là công trình hợp tác giữa Việt Nam và Campuchia trên lĩnh vực thương mại biên giới, nhằm góp phần thúc đẩy giao thương biên mậu, tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và tăng kim ngạch song phương hai nước nhưng thời gian qua hoạt động không hiệu quả. Bên cạnh đó, nhìn nhận thực tế sau hơn 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, KKT cửa khẩu Mộc Bài chưa phát triển được như kỳ vọng của tỉnh, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của khu. Đồng thời, đóng góp của Mộc Bài vào nền kinh tế của tỉnh không đáng kể so với quy mô được duyệt.
Theo UBND tỉnh Tây Ninh, trước thực trạng này, tỉnh đang tổ chức lập đồ án quy hoạch chung xây dựng KKT Mộc Bài đến năm 2045 và định hướng phát triển theo hướng công nghiệp, đô thị, dịch vụ gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh.
Cần những chính sách hỗ trợ
Để kinh tế biên mậu phát triển hiệu quả góp phần phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Công thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các văn bản hướng dẫn về danh mục hàng hóa nhập khẩu, thu thuế, thanh toán thương mại biên giới. Các quy định này cơ bản là phù hợp với chủ trương của Đảng về quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Lào và Campuchia, không trái với quy định của WTO về quan hệ thương mại giữa hai nước có chung biên giới, gần tương quan với chính sách thương mại với các nước có chung đường biên giới.
Mặt khác, cơ chế quản lý thương mại biên giới đối với hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới về cơ bản là phù hợp với thực tế, trình độ, tập quán sản xuất và đời sống của cư dân biên giới còn ở mức thấp; đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa và quan hệ truyền thống lâu đời giữa cư dân biên giới nước ta với các nước có chung đường biên giới (chủ yếu là đồng bào dân tộc ít người); góp phần cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo, tăng cường đoàn kết, khuyến khích đồng bào định cư lâu dài tại biên giới để giữ vững chủ quyền và an ninh biên giới.
Để thúc đẩy tốc độ xây dựng và phát triển kinh tế biên mậu cần giải quyết những vấn đề: Đẩy mạnh đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật và dịch vụ hỗ trợ tại cửa khẩu biên giới, trong đó cải thiện điều kiện giao thông vận tải; tăng cường cơ sở vật chất thương mại và có những giải pháp hỗ trợ hoạt động thương mại biên giới; Cung cấp thông tin cho thương nhân và cư dân biên giới về cửa khẩu, cơ chế, chính sách, thị trường, hàng hóa… để tránh tình trạng ùn tắc, thiệt hại cho doanh nghiệp, cư dân và người sản xuất, quá tải cho công tác quản lý; tổng hợp, phân tích tình hình thị trường và cập nhật kịp thời các chính sách của hai bên đối với hoạt động thương mại biên giới; Hỗ trợ nâng cao năng lực cho thương nhân thông qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng về luật pháp, quy tắc xuất xứ, phương thức thanh toán, ký kết hợp đồng, chất lượng sản phẩm, quy cách đóng gói, bảo quản theo quy định và thông lệ quốc tế trong hoạt động thương mại biên giới và yêu cầu của bên mua hàng; Củng cố hoạt động và tăng cường tiếp xúc giữa các ban chỉ đạo điều hành thương mại biên giới với chính quyền các tỉnh biên giới hai nước, cải thiện hệ thống thanh toán, nghiên cứu thành lập hiệp hội kinh doanh biên mậu..
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần chuẩn bị những điều kiện tiền đề để hoạt động “lâu dài và bài bản” với các bạn hàng nước bạn; từng bước chuyển sang hoạt động buôn bán chính ngạch; liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh tổng lực.
Tòa soạn Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam xin chân thành cảm ơn:
Cục chính trị Bộ đội Biên phòng, BCH Bộ đội Biên phòng (Các đồn Biên phòng nơi PV liên hệ tác nghiệp), Cục Hải quan (Các chi cục Hải quan nơi PV liên hệ tác nghiệp), Cục Quản lý thị trường, Các Ban quản lý khu Kinh tế Cửa khẩu thuộc các tỉnh Long An, An Giang, Tây Ninh, Đồng Tháp đã tích cực phối hợp, cung cấp thông tin, tạo điều kiện cho Phóng viên ban Kinh tế và truyền thông hoàn thành đề tài này.
|
Lam Giang – Phong Lê – Nhân Quý