Môi trường kinh doanh thuận lợi
Kế thừa mối quan hệ hữu nghị truyền thống, những năm qua, mối quan hệ láng giềng giữa tỉnh Tây Ninh với các tỉnh Tbong Khmum, Svay Rieng, Prey Veng (Campuchia) luôn gắn kết và tạo điều kiện phát triển kinh tế song phương. Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam Bộ, là vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là cửa ngõ kết nối vùng với các nước trong khu vực ASEAN. Đồng thời cũng là nơi kết nối hai hành lang vận tải Tây Nguyên - Đồng bằng sông Cửu Long và Campuchia - TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa Vũng Tàu, đặc biệt là cửa ngõ gần nhất kết nối TP. Hồ Chí Minh với thủ đô Phnom Penh, Campuchia. Hiện Tây Ninh có đường biên giới dài khoảng 234km, có 3 cửa khẩu Quốc tế (CKQT) (Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam), 2 cửa khẩu Quốc gia ( Chàng Riệc, Phước Tân) và 16 cửa khẩu phụ.
Đó là những điều kiện thuận lợi để Tây Ninh đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu giao thương với các tỉnh bên ngoài và thị trường quốc tế. Với hệ thống hạ tầng giao thông phát triển đồng bộ, hiện đại đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, góp phần tạo điều kiện thuận lợi, mở rộng phát triển hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn, giúp Tây Ninh trở thành cửa ngõ giao thương hàng hóa giữa Campuchia và Tiểu vùng sông Mekong mở rộng. Để kinh tế biên mậu có những bước phát triển tích cực, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Tỉnh đã chủ động đầu tư, xây dựng hạ tầng KKT cửa khẩu và nâng cấp hệ thống chợ, trước hết là các chợ cửa khẩu, chợ các xã biên giới. Đến nay, cơ sở hạ tầng, dịch vụ vùng biên giới, cửa khẩu cơ bản được đầu tư theo quy hoạch và được đầu tư phát triển, nâng cấp, mở rộng. Những cặp cửa khẩu đã được mở và nâng cấp tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế - thương mại, thu hút doanh nghiệp.
Đặc biệt, KKT CKQT Mộc Bài được quy hoạch có tính chất là KKT tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực với các chức năng công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ - du lịch và nông lâm nghiệp gắn với các hoạt động đối ngoại của quốc gia, giao lưu kinh tế, văn hoá và quan hệ chính trị ngoại giao giữa Việt Nam, Campuchia và khu vực ASEAN; là đầu mối giao thương quan trọng giữa Việt Nam – Campuchia; là trung tâm công nghiệp – đô thị - thương mại dịch vụ và logistic của vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 760/QĐ-TTg ngày 2/8/2024 về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Mộc Bài . Dự kiến tổng vốn đầu tư khoảng 19.600 tỷ đồng, được chia làm 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 có quy mô 4 làn xe; giai đoạn 2 có quy mô 6 đến 8 làn xe. Đây là tuyến giao thông đường bộ ngắn nhất kết nối TP.HCM với Campuchia qua CKQT Mộc Bài. Dự án phục vụ phát triển chuỗi công nghiệp Mộc Bài – TP.HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải gắn với hành lang kinh tế xuyên Á. Đồng thời, tạo điều kiện phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất dọc tuyến, đặc biệt là KKT CKQT Mộc Bài.
Như vậy, với việc tỉnh đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông tại KKT CKQT Mộc Bài nói chung và các cửa khẩu khác nói riêng đã tạo điều kiện thuận lợi thu hút ngày càng doanh nghiệp đầu tư đến với tỉnh tạo ra môi trường hấp dẫn cho các doanh nghiệp trong và ngoài khu vực tăng cường các hoạt động giao thương hàng hóa phát triển kinh tế.
Cơ hội cho doanh nghiệp phát triển
Theo UBND tỉnh Tây Ninh mục tiêu đến năm 2030, kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, toàn diện và bền vững trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ du lịch của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Để tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt khoảng 9,5%/năm, tỉnh đã dự kiến huy động tổng số vốn đầu tư toàn xã hội khoảng 628.000 tỷ đồng. Đồng thời, Tây Ninh có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế cửa khẩu, đặc biệt khi thương mại với Campuchia đang tăng rất nhanh, là điểm kết nối trực tiếp và gián tiếp với một số nước Đông Nam Á. Qua đó cho thấy Tây Ninh hội đủ 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tăng tốc phát triển nhanh, bền vững. Cơ hội cho các doanh nghiệp đầu tư và phát triển mạnh mẽ trên địa bàn nhất là các KKT cửa khẩu.
Thời gian qua, để phát triển kinh tế toàn tỉnh nói chung và thương mại vùng biên nói riêng, tỉnh Tây Ninh đã tăng cường kêu gọi các doanh nghiệp lớn nghiên cứu, đầu tư vào các KKT cửa khẩu để đảm bảo hoạt động xuất, nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa tại KKT cửa khẩu. Trong những ngày cuối tháng 8 vừa qua, đoàn xúc tiến đầu tư tỉnh Tây Ninh do ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh và ông Trần Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CPĐT Sài Gòn VRG đã tham dự “Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Thương Mại Giang Tô (Trung Quốc) - Tây Ninh (Việt Nam)” tại TP. Hoài An, tỉnh Giang Tô. Diễn đàn nhằm giới thiệu những tiềm năng và cơ hội đầu tư vào Tây Ninh, đặc biệt là đầu tư vào các KKT và khu công nghiệp.
Tây Ninh có vị trí địa lý quan trọng trong vùng và là khu vực kinh tế năng động của Việt Nam, được xác định là một trong những vùng có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ, là cửa ngõ quan trọng về kinh tế đối ngoại. Ngoài ra Tây Ninh có dư địa về đất đai, lao động còn khá lớn đó cũng là yếu tố quan trọng để địa phương đẩy mạnh phát triển công nghiệp, đô thị, dịch vụ logistics. Đồng thời, Tây Ninh xác định không chỉ mời gọi, thu hút các nhà đầu tư quan tâm mà tỉnh sẽ luôn đồng hành cùng các nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, sẵn sàng hỗ trợ, hợp tác chặt chẽ để triển khai nhanh các dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là các KKT cửa khẩu. Bên cạnh đó, Doanh nghiệp cần chuẩn bị những điều kiện tiền đề để hoạt động “lâu dài và bài bản” với các bạn hàng nước bạn; từng bước chuyển sang hoạt động buôn bán chính ngạch; liên kết để tạo lợi thế cạnh tranh tổng lực.
Đại tá Nguyễn Công Tuân, Chủ nhiệm Chính trị (Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh) cho biết: "Mục tiêu việc quy hoạch xây dựng KKT cửa khẩu nhằm thúc đẩy KKT trở thành vùng động lực mới, thu hút đầu tư, tăng trưởng phát triển kinh tế có tầm cạnh tranh với khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó cũng đáp ứng yêu cầu mới trong chiến lược đảm bảo nhiệm vụ, mục tiêu quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng - an ninh. Góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác, giao lưu kinh tế, văn hóa - xã hội và đảm bảo vùng biên giới hòa bình, hữu nghị, phát triển đồng bộ, hài hòa, bền vững".
Trong 8 tháng đầu năm 2024, tỉnh Tây Ninh đã thu hút đầu tư nước ngoài cấp mới được 22 dự án, với số vốn thu hút hơn 115 triệu USD; 16 lượt điều chỉnh tăng vốn với mức vốn tăng 143 triệu USD. Thu hút đầu tư trong nước cấp mới 15 dự án, với tổng vốn đăng ký là 4.756 tỷ đồng và 10 dự án điều chỉnh tăng vốn, với vốn tăng là 757 tỷ đồng.
|
(Kỳ 4: Xây dựng tình đoàn kết hữu nghị và cùng nhau phát triển kinh tế).
Lam Giang - Phong Lê - Nhân Quý