Xuất khẩu hàng hoá vào Thổ Nhĩ Kỳ: Vượt qua rào cản

01/04/2022 9:35 (GMT+7)
(KD&BM) - Khoảng cách địa lý, chi phí vận chuyển và công nghệ bảo quản chưa thực sự tốt đang là rào cản lớn cho hàng hoá Việt, nhất là nông sản gia tăng xuất khẩu vào thị trường Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi hàng rào thuế quan được dỡ bỏ dần, các nước lại gia tăng rào cản phi thuế quan (NTM), đặc biệt là hàng rào kỹ thuật đối với thương mại, các biện pháp vệ sinh dịch tễ, chống trợ cấp, chống phá giá và tự vệ. Việc các nước đặt ra rào cản kỹ thuật rất khắt khe là thách thức lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam. 

Ngày 30/3 vừa qua, tại Phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Thổ Nhĩ Kỳ, do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), bà Nguyễn Thị Thu Thuỷ - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục Xúc tiến thương mại, cho hay:“Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường có quy mô kinh tế lớn, hoạt động ngoại thương sôi động và nhu cầu tiêu dùng cao với số dân tới gần 84 triệu người.”

Thổ Nhĩ Kỳ có vị trí chiến lược trên con đường giao thương giữa ba châu lục Á – Âu – Phi. Quốc gia này được đánh giá là thị trường tiềm năng, cửa ngõ quan trọng vào khu vực Trung Đông, là nơi trung chuyển vào thị trường EU đối với nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam như gạo, sữa và sản phẩm sữa, hạt tiêu, đồ gỗ, cao su, chè, sợi, vải, hàng may mặc, giày dép, hàng điện tử, hàng thủ công mỹ nghệ, thiết bị phụ tùng…. Hiện nay, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đứng thứ 6 châu Âu, thứ 16 thế giới và thuộc nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới. 

Thổ Nhĩ Kỳ hiện là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam tại khu vực Tây Á, chỉ sau Các Tiểu vương quốc Ả-rập Thống nhất (UAE). Cán cân thương mại song phương Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ những năm gần đây thường thặng dư về phía Việt Nam.

Tuy vậy, tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ còn thấp, khoảng 0,5%. Nhiều mặt hàng của Việt Nam xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, thấp hơn các nước cạnh tranh trực tiếp, ngoại trừ hạt tiêu, hạt điều, xơ, sợi, cao su.

Trong 10 năm qua, thương mại Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều biến động. Hai năm gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước giảm xuống còn 1 tỷ USD.

Số liệu thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, 2 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ đạt 189 triệu USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm ngoái. 

Về từng mặt hàng xuất khẩu, ông Lê Phú Cường - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ, thông tin: Hàng hoá Việt Nam xuất khẩu vào Thổ Nhĩ Kỳ có thể chia làm 3 nhóm chính. 

Thứ nhất, sản phẩm tiêu dùng cao cấp như điện thoại di động, máy tính, sản phẩm điện tử; dệt may, giày dép (chủ yếu của các thương hiệu lớn). Những sản phẩm này hướng tới người tiêu dùng có thu nhập cao, nhưng ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ.

Điện thoại và linh kiện - mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam vào Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh minh họa - BCT)

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thổ Nhĩ Kỳ cho biết:“Khoảng 7-8 năm trở lại đây, nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ không tăng trưởng nhanh, chỉ duy trì ở mức 1-3% do vậy các mặt hàng này không thể tăng trưởng mạnh”.

Thứ hai, nhóm nguyên liệu sản xuất cho xuất khẩu, chủ yếu là chất dẻo nguyên liệu và xơ, sợi dệt các loại, cao su. Đây là những mặt hàng quan trọng được các nhà sản xuất Thổ Nhĩ Kỳ duy trì nhập khẩu từ Việt Nam. Dù vậy, hàng Việt Nam đang chịu sức ép cạnh tranh với hàng hoá cùng loại của các nước khác và biện pháp phòng vệ thương mại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Sản xuất sợi - một trong những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam (Ảnh minh họa - Internet)

Thứ ba, nhóm hàng nông sản đã có mặt tại thị trường Thổ Nhĩ Kỳ nhưng thị phần còn khá nhỏ. Mặt hàng hạt tiêu, hạt điều đã có sự cải thiện về kim ngạch nhưng giá xuất khẩu không cao. Gạo và chè kim ngạch xuất khẩu nhỏ, doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu nhập khẩu từ Việt Nam và tái xuất sang nước thứ ba. Quả các loại số lượng xuất khẩu không lớn và không phải sản phẩm nào cũng được nhập khẩu trực tiếp bởi khó khăn về vận chuyển và kiểm tra hàng hoá nhập khẩu khắt khe từ nước sở tại.

Mặt hàng nông sản được bày bán tại Thổ Nhĩ Kỳ (Ảnh minh họa - Internet)

Có thể thấy, việc gia tăng xuất khẩu hàng Việt sang Thổ Nhĩ Kỳ không phải vấn đề đơn giản, doanh nghiệp phải vượt qua nhiều rào cản, thay đổi tư duy sản xuất, đầu tư cho chất lượng sản phẩm và công nghệ bảo quản. Theo ông Murat Atik - Chủ tịch Hội đồng kinh doanh Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ (Uỷ ban Quan hệ kinh tế đối ngoại), mô hình công ty liên doanh, đầu tư sản xuất tại Thổ nhĩ Kỳ là một gợi ý tốt cho sự hợp tác bền chặt hơn nữa giữa doanh nghiệp hai nước.

Thổ Nhĩ Kỳ là thị trường có quy mô kinh tế lớn, hoạt động ngoại thương sôi động và nhu cầu tiêu dùng cao với số dân tới gần 84 triệu người. Theo các chuyên gia, Thổ Nhĩ Kỳ là nước có các ngành công nghiệp khá phát triển, với nhiều ngành có thế mạnh tương tự như Việt Nam, tuy nhiên, chi phí sản xuất lại cao hơn. Đặc biệt, thị trường này có sự cạnh tranh gay gắt giữa các nguồn nhập khẩu do vị trí địa lý nằm giữa 3 châu lục và nằm sát Châu Âu. Trong khi đó, các doanh nghiệp sở tại cũng khá năng động, luôn tìm kiếm nguồn cung cấp với chi phí cạnh tranh để giảm giá thành sản xuất. Vì vậy, các doanh nghiệp Việt phải có sức cạnh tranh về chi phí, giá thành, đảm bảo chất lượng, phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của Thổ Nhĩ Kỳ, thì mới thâm nhập vào thị trường này dễ dàng. Mặt khác, do khoảng cách địa lý xa, thời gian vận chuyển dài, do đó công nghệ bảo quản cần được DN đặc biệt chú ý nhằm đảm bảo chất lượng tốt nhất cho sản phẩm. Cùng với đó, các quy định của hải quan Thổ Nhĩ Kỳ về chất lượng sản phẩm, biểu thuế, phí với từng loại hàng hoá cũng cần được quan tâm, đáp ứng.

Thanh Tuyền (T/h)

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Xuất nhập khẩu
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.