Nâng cao hiệu quả đối ngoại Nhân dân vùng biên giới

24/11/2021 7:00 (GMT+7)
Vùng biên giới quốc gia có vị trí địa - chiến lược quan trọng, là “tuyến đầu”, “cửa ngõ”, là “phên dậu” của mỗi quốc gia. Chủ quyền, an ninh biên giới là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của đất nước và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc… Bởi vậy, tăng cường đối ngoại Nhân dân để quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần bảo đảm cho sự phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của đất nước; tạo động lực để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và cùng phát triển với nước láng giềng.

Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Nghệ An, Bí thư Huyện ủy, 
Chủ tịch HĐND huyện Kỳ Sơn VI HÒE

Làm tốt vai trò cánh cửa ngoại giao” địa bàn biên giới

Là huyện biên giới nằm ở phía Tây của tỉnh Nghệ An, Kỳ Sơn có diện tích 209,484km2, có hơn 203km đường biên giới, tiếp giáp với 4 huyện thuộc 3 tỉnh Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay và tỉnh Hủa Phăn, nước CHDCND Lào. Khu vực biên giới Kỳ Sơn gồm 56 bản, trải dài trên địa bàn 11 xã chiếm gần 53% số xã của huyện… Trên tuyến biên giới có Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, Cửa khẩu phụ Ta Đo và 30 đường tiểu mạch qua lại hai bên biên giới… Với địa hình chủ yếu là đồi núi, chỉ có 1% là đất bằng, địa thế cách trở, khó khăn trong việc đi lại, trình độ dân trí và đời sống của người dân chưa cao; vì vậy đồng bào DTTS, thường xuyên bị các đối tượng xấu lôi kéo hoạt động chống phá; di dịch cư tự do, truyền đạo trái phép, đặc biệt là hoạt động các loại tội phạm phức tạp, tinh vi, xảo quyệt dẫn tới tình hình an ninh chính trị  trật tự an toàn xã hội trên tuyến biên giới luôn tiềm ẩn những yếu tố gây mất ổn định tình hình…

Huyện Kỳ Sơn phối hợp với Đoàn công tác tỉnh Nghệ An đón hài cốt liệt sỹ và tặng quà covid-19 cho Lào

Trước tình hình đó, Đảng bộ huyện Kỳ Sơn luôn coi trọng và tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác ngoại giao Nhân dân gắn với đối ngoại biên phòng. Triển khai công tác đối ngoại, huyện đã luôn quán triệt và thực hiện theo đúng quan điểm, đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Với nhiều nỗ lực và hiệu quả đã được ghi nhận trong việc triển khai thực hiện, làm tốt vai trò “cánh cửa ngoại giao” địa bàn biên giới, có thể nói: Kỳ Sơn đã tạo dựng được niềm tin, hình ảnh đẹp với các huyện, tỉnh bạn lào. Niềm tin đó được thể hiện qua việc không ít lần Đảng bộ huyện được giao trọng trách thay mặt lãnh đạo tỉnh Nghệ An đón tiếp nhiều đoàn cấp cao của Lào sang thăm, làm việc trên địa bàn Kỳ Sơn… Ngoài ra, còn lãnh đạo chỉ đạo các cấp, các ngành thường xuyên phối hợp trao đổi thông tin, những vấn đề cần giải quyết và trao đổi kinh nghiệm, nắm tình hình trên tuyến biên giới và phòng chống tội phạm… đã góp phần xây dựng tuyến biên giới Việt Nam – Lào trên địa bàn tiếp giáp ổn định và phát triển toàn diện.

Thăm hỏi, động viên bà con bản Na Mương, huyện Noong Hét (Lào)

Và, một trong những hoạt động mang dấu ấn cho công tác đối ngoại Nhân dân của tỉnh Nghệ An chính là đã tổ chức được chương trình hợp tác giữa Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An với Mặt trận Lào xây dựng đất nước tỉnh Xiêng Khoảng. Từ chương trình hợp tác này, 2 bên đã tổ chức nhiều đoàn đi thăm, trao đổi kinh nghiệm công tác cũng như tìm hiểu về quê hương, đất nước... Công tác đối ngoại Nhân dân còn được tăng cường nhiều hoạt động bổ ích như: Dạy Tiếng Lào cho cán bộ và Nhân dân đang công tác và sinh sống tại vùng biên giới. Đây chính là hoạt động thiết thực trong việc phổ cập, nâng cao trình độ Tiếng Việt, Tiếng Lào cho cán bộ và Nhân dân vùng biên giới, để hiểu, biết phong tục tập quán và thành thạo hai thứ tiếng, nhằm trao đổi thông tin đối ngoại Nhân dân dễ dàng hơn cũng như thắt chặt mối quan hệ giao lưu hữu nghị Việt – Lào anh em.

Hội hữu nghị Việt Lào huyện Kỳ Sơn đại hội lần thứ III

Kết quả lớn nhất trong thực hiện công tác đối ngoại Nhân dân trên tuyến biên giới huyện Kỳ Sơn trong những năm qua là mối quan hệ đoàn kết truyền thống lâu đời giữa hai bên biên giới luôn được giữ vững; các hiệp định về biên giới được Nhân dân hai bên chấp hành nghiêm. Quan hệ giao lưu đối ngoại, ký kết nghĩa giữa bản với bản 2 bên biên giới Việt - Lào thường xuyên được duy trì và củng cố nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị cùng phát triển.

 Sau 5 năm thực hiện phong trào ký kết nghĩa, hiện nay đã có 15 cặp bản, 2 chi hội đoàn thể và 3 đơn vị lực lượng vũ trang được ký kết. Đặc biệt, trong phòng chống đại dịch Covid-19, huyện Kỳ Sơn tuy khó khăn, nhưng vẫn thực hiện tốt công tác đối ngoại; cấp ủy, chính quyền huyện, các đơn vị LLVT trên địa bàn huyện và 11 xã biên giới đã dành tình cảm sẻ chia sâu sắc “Bát cơm sẻ nửa, hạt muối cắn đôi” để hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu cho 4 huyện bạn Lào và một số đơn vị LLVT của bạn trên tuyến biên giới. Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân hai bên biên giới đã tuân thủ tuyệt đối những giải pháp trong phòng chống dịch.... 

Với những thành tựu trên mặt trận đối ngoại Nhân dân đã góp phần để Kỳ Sơn đạt được nhiều kết quả trong phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ vừa qua. Nổi bật, tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn từ 2016 - 2020 đạt 5,55%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 23 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 65,24% năm 2015, nay còn 46,11%... Bên cạnh đó, huyện cũng đã tập trung phát triển KT - XH, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, đảm bảo an sinh xã hội, Quốc phòng - An ninh được giữ vững; chú trọng công tác đối ngoại; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh.

Quyết tâm giữ vững “3 yên”: Yên dân, yên địa bàn và yên biên giới

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Kỳ Sơn cũng đã xác định nhiệm vụ chủ yếu về công tác đối ngoại là “Chú trọng làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ truyền thống hữu nghị đặc biệt giữa huyện Kỳ Sơn với các địa phương nước CHDCND Lào có chung đường biên giới”. Cũng là một trong ba khâu đột phá chiến lược là: Đảm bảo quốc phòng - an ninh và làm sâu sắc thêm về quan hệ đối ngoại với các địa phương của nước bạn Lào tiếp giáp huyện Kỳ Sơn”.

Bí thư Huyện uỷ Vi Hoè dự Tết Bunpimay (Lào)

Bên cạnh kết quả đã đạt được, công tác đối ngoại trên địa bàn huyện Kỳ Sơn cũng còn một số hạn chế cần khắc phục. Đó là công tác nắm, phân tích, dự báo tình hình liên quan đến nhiệm vụ đối ngoại chưa toàn diện; ý thức quốc gia, quốc giới của một bộ phận đồng bào chưa cao... Trong khi đó, lợi dụng xu thế hội nhập hợp tác, các thế lực thù địch thường xuyên đẩy mạnh hoạt động chống phá,  truyền đạo trái pháp luật, lôi kéo đồng bào di, dịch cư tự do, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, chia rẽ quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai bên biên giới... Do vậy đòi hỏi Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân không ngừng nâng cao cảnh giác, thống nhất nhận thức và tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng, quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới; trong đó, công tác đối ngoại và ngoại giao Nhân dân là một trong những nội dung trọng tâm cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra cho công tác đối ngoại Nhân dân trong tình hình mới…

Tặng quà dịp tết Bunpimay (Lào)

Để nâng cao hiệu quả đối ngoại Nhân dân, xây dựng tuyến biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và cùng phát triển, huyện Kỳ Sơn có một số bài học kinh nghiệm:

Thứ nhất, thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về nhiệm vụ đối ngoại nhân dân bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia. Với Kỳ Sơn đã xác định: Mỗi đồng bào các dân tộc nơi biên cương là một người lính biên thùyĐây vừa là giải pháp, vừa là bài học cơ bản, nhằm giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và Nhân dân hai bên biên giới về bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Thứ hai, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác đối ngoại, đẩy mạnh hoạt động đối ngoại Nhân dân; tiếp tục thực hiện có hiệu quả chế độ giao ban trao đổi tình hình và phối hợp trong công tác quản lý bảo vệ biên giới cũng như các hoạt động hữu nghị truyền thống, thăm thân. Tiếp tục thực hiện tốt phong trào kết nghĩa giữa các cụm dân cư (bản - bản) hai bên biên giới, đẩy mạnh các hoạt động kết nghĩa với lực lượng bảo vệ biên giới của nước bạn Lào, phối hợp chặt chẽ cùng trao đổi  thông tin, đấu tranh phòng chống tội phạm, xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh trên biên giới. Tăng cường giao lưu, hợp tác phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội giữa cấp ủy, chính quyền và Nhân dân hai bên biên giới để hoạt động này ngày càng đi vào chiều sâu thực chất, góp phần xây dựng đường biên giới ổn định, hợp tác và phát triển. 

Thứ ba, thực hiện đồng bộ các giải pháp đầu tư nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho Nhân dân vùng biên. Phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết các dân tộc và vai trò già làng, người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, chăm lo phát triển kinh tế, giữ yên biên giới, ổn nội địa, xây dựng bản làng văn minh, giàu đẹp.

Thứ tư, phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng bảo vệ biên giới, quản lý cửa khẩu của hai bên. Duy trì nghiêm việc chấp hành đường lối, chính sách đối ngoại, quy định của pháp luật mỗi nước; các quy định liên quan đến công dân hai nước và các Hiệp định mà hai nhà nước đã ký kết. Tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân các dân tộc hai bên biên giới qua lại thăm thân, trao đổi hàng hóa và đây là cơ hội để người dân hai bên giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, học hỏi kinh nghiệm, Khuyến khích, động viên và  ủng hộ cả về tinh thần, vật chất để Nhân dân hai bên tổ chức các hoạt động lễ, hội truyền thống nhằm giao lưu văn hóa, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau để cùng phát triển.

Thứ năm, tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác với Nhân dân có chung đường biên giới; mở rộng quan hệ truyền thống, làm cho cán bộ và nhân dân các dân tộc trên địa bàn, nhất là đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp nhận thức đầy đủ, đúng đắn về mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đối ngoại với bạn Lào. Đây không chỉ là nhiệm vụ trước mắt mà là vấn đề có tính chiến lược lâu dài. Sự đoàn kết gắn bó 2 bên biên giới là nền tảng quan trọng không thể thiếu trong quá trình phát triển của huyện… Đây cũng là lá chắn sống đập tan mọi sự xâm nhập từ bên ngoài, cho biên giới được bình yên, ổn định. Từ đó làm chuyển biến nhận thức và hành động, đồng thời phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong thực hiện công tác đối ngoại.

Bí thư Huyện uỷ Vi Hòe cùng Đoàn công tác của Tỉnh ủy trao đổi với lãnh đạo Đồn Biên phòng Nậm Cắn về công tác tác phòng chống dịch Covid-19 tại cửa khẩu Nậm Cắn

Có thể nói, công tác đối ngoại Nhân dân vùng biên là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Do đó, thời gian tới Kỳ Sơn sẽ tiếp tục tuyên truyền phát huy vai trò của các cấp các ngành, MTTQ và các đoàn thể, đặc biệt là vai trò nòng cốt của đồng bào các dân tộc sinh sống ở vùng biên giới nhằm thực hiện tốt đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước; góp phần giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, hữu nghị, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế, xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa Nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Với những điểm sáng trong hoạt động ngoại giao của huyện, chúng tôi tự hào vì đã góp một phần quan trọng, trong việc giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Kết quả đó cũng là tiền đề, động lực to lớn để huyện Kỳ Sơn tiếp tục phát triển toàn diện và quyết tâm giữ vững “3 yên”: Yên dân, Yên địa bàn và Yên biên giới. 

PHAN VŨ ghi

 

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Văn hóa xã hội
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.