Đồng Kíp giảm sâu, gia tăng khó khăn thách thức
Hoạt động kinh tế thương mại biên giới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa lâu nay vốn tồn tại nhiều khó khăn thử thách như: Việc mua bán, trao đổi hàng hoá vùng biên giới diễn ra trên địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, giao thông đi lại khó khăn, giá cước vận tải cao; có nhiều đường mòn lối mở dẫn đến việc hàng hoá buôn bán, giao thương với nước bạn Lào của dân cư vùng biên giới khó kiểm soát hết; trình độ cư dân biên giới còn thấp, chủ yếu phát triển kinh tế theo hình thức tự cung, tự cấp; sản xuất nông nghiệp mang nặng canh tác quảng canh nên sản phẩm chưa có giá trị kinh tế cao; việc liên kết giữa nhà sản xuất và các đầu mối tiêu thụ còn manh mún, chưa hiệu quả là những khó khăn, gây cản trở việc lưu thông các phương tiện, người và hàng hóa.
Cùng với đó là các đơn vị kinh doanh vận tải gặp nhiều khó khăn; vì vậy, một số tuyến vận tải hành khách từ Thanh Hoá đi Hủa Phăn đã phải giảm tần suất hoặc tạm ngừng hoạt động, các tuyến vận tải dự kiến mở mới từ tỉnh Thanh Hoá đi tỉnh Xiêng Khoảng cũng chưa thể triển khai.
Trong khi những khó khăn tồn tại chưa được xử lý, khắc phục, thì hiện nay, tỉ giá đồng Kíp giảm sâu, dẫn đến giá cả leo thang làm cho nền kinh tế nước bạn đang gặp khó khăn về công nợ, do vậy kim ngạch trao đổi của cư dân biên giới cũng vì thế suy giảm. Quy mô trao đổi hàng hoá tại các chợ phiên biên giới còn nhỏ lẻ, cơ sở vật chất nghèo nàn, diễn ra theo hình thức chợ phiên. Vì vậy, sức mua hạn chế, chủ yếu phục vụ nhu cầu sinh hoạt, tiêu dùng của cư dân biên giới, chưa thu hút được đông đảo thương nhân và cư dân biên giới tham gia các hoạt động kinh doanh tại chợ.
Hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào và hai tỉnh Thanh Hoá - Hủa Phăn đang đi dần vào ổn định và phát triển
Hoạt động thanh toán biên mậu của ngân hàng chưa phát sinh hoạt động tại khu vực biên giới cửa khẩu quốc tế Na Mèo - Nậm Xôi; cửa khẩu chính Tén Tằn - Xôm Vẳng và cửa khẩu phụ Khẹo - Thà Lấu… do người dân hai tỉnh chưa có nhu cầu đổi tiền; đồng thời, chưa phát sinh việc mở tài khoản ngoại tệ, vay trả nợ nước ngoài liên quan tới Lào.
Nhu cầu vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng các xã biên giới là rất lớn, do các xã biên giới tỉnh Thanh Hoá đều thuộc các huyện miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa hình khu vực biên giới tương đối phức tạp, độ dốc cao, thường bị sạt lở vào mùa mưa; gây nhiều khó khăn cho việc đầu tư và xây dựng; hạ tầng kỹ thuật còn chưa đồng bộ; nguồn lực chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, tỷ lệ thu hút các dự án đầu tư trong nước và nước ngoài trong lĩnh vực thương mại biên giới còn hạn chế.
Công tác xúc tiến đầu tư, cung cấp thông tin quảng bá hình ảnh và môi trường đầu tư giữa hai Tỉnh đã được chú trọng; tuy nhiên, do hoạt động đầu tư tại các huyện biên giới chưa mang lại hiệu quả cao nên khó thu hút các dự án, các nhà đầu tư. Việc lồng ghép nguồn vốn để đầu tư xây dựng các chương trình, dự án tại các xã biên giới đã được thực hiện, song do cơ chế quản lý, cơ chế giải ngân của các chương trình khác nhau nên còn nhiều vướng mắc, ảnh hưởng đến tiến độ đầu tư xây dựng các công trình, dự án; cơ sở hạ tầng tại các cửa khẩu, lối mở chậm được đầu tư nâng cấp hoặc xây dựng mới.
Và hành động của Thanh Hóa
Mặc dù đứng trước nhiều khó khăn, thử thách là vậy, nhưng trong 6 tháng đầu năm, hoạt động thương mại biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào và hai tỉnh Thanh Hoá - Hủa Phăn đang đi dần vào ổn định và phát triển. Chính quyền hai tỉnh Thanh Hoá và Hủa Phăn cũng nỗ lực tạo điều kiện đẩy mạnh cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới, góp phần đẩy mạnh phát triển quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại biên giới giữa hai nước.
Bên cạnh đó, việc thực hiện có hiệu quả các chủ trương, đường lối của hai Đảng, hai Nhà nước, hai tỉnh về việc đẩy mạnh giao thương hàng hoá và mua bán mậu dịch của cư dân hai bên biên giới thông qua các Hiệp định quy chế khu vực Biên giới, Hiệp định thương mại Việt Nam – Lào. Các lực lượng chức năng đã cùng với chính quyền địa phương phối hợp, thực hiện tốt các Hiệp định, Quy chế hoạt động thương mại khu vực biên giới, không để xảy ra tình trạng mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và ùn tắc hàng hoá tại khu vực cửa khẩu; tạo điều kiện cho việc thúc kết nối giao thương, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa hai nước nói chung, hoạt động thương mại biên giới giữa hai tỉnh Thanh Hoá và tỉnh Hủa Phăn nói riêng.
Thường niên, tỉnh Thanh Hoá và tỉnh Hủa Phăn ký kết các văn bản thoả thuận về hợp tác kinh tế - văn hoá, quốc phòng - an ninh, làm tiền đề để các doanh nghiệp hai địa phương tìm hiểu, hợp tác, đầu tư, sản xuất, kinh doanh, trao đổi thương mại hai chiều.
Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và cư dân hai bên biên giới cơ bản chấp hành tốt pháp luật nước sở tại, thông lệ quốc tế và các quy định của hai địa phuơng; việc trao đổi hàng hoá diễn ra trên khu vực biên giới, cửa khẩu nên công tác kiểm tra, kiểm soát, đăng ký quản lý của các lực luợng chức năng được tiến hành nhanh gọn, chặt chẽ.
Công tác cải cách thủ tục hành chính được lực lượng chức năng của hai tỉnh thực hiện có hiệu quả, theo hướng thông thoáng, thuận lợi, nhanh gọn, qua đó, giảm được thời gian và chi phí cho các doanh nghiệp; cùng với việc áp dụng các chính sách ưu đãi, đa số các mặt hàng được hưởng thuế suất 0%, là động lực quan trọng thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới phát triển.
Nhận được sự quan tâm sâu sát, lãnh đạo chỉ đạo của UBND tỉnh, Cục Bảo vệ thực vật, Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng VI, UBND các huyện biên giới và sự phối hợp tích cực của các sở, ban, ngành có liên quan. Công tác kiểm dịch thực vật (KDTV), kiểm dịch động vật (KDĐV), kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật được thực hiện tốt, xử lý kịp thời theo đúng quy định của pháp luật; Hoạt động thương mại, vận chuyển thực vật, động vật, sản phẩm động vật qua biên giới giữa hai tỉnh Thanh Hoá và tỉnh Hủa Phăn được kiểm soát thuận lợi.
Đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng thương mại biên giới tỉnh Thanh Hoá nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh trong việc huy chỉ đạo huy động nhiều nguồn lực hướng về biên giới để củng cố tiềm lực mọi mặt 4 . Bên cạnh đó, vị trí địa lý thuận lợi đã tạo điều kiện thuận lợi cho Thanh Hoá kết nối liền mạch với các vùng kinh tế trọng điểm trong nước và quốc tế, kết nối với nước Lào thông qua đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 15, Quốc lộ 217, Cửa khẩu quốc tế Na Mèo, đường tuần tra biên giới…, tạo chuyển biến rõ rệt trong phát triển kinh tế, xã hội tỉnh Thanh Hoá nói chung và khu vực biên giới nói riêng.
Theo báo cáo của Ban chỉ đạo hoạt động thương mại biên giới tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 31/05/2024, tổng trị giá kim ngạch xuất nhập khẩu: 20.193.026 USD. Trong đó: Kim ngạch xuất khẩu: 11.224.675 USD (tăng 4,93 % so với cùng kỳ năm ngoái); Kim ngạch nhập khẩu: 8.968.351 USD (tăng 210 % so với cùng kỳ năm ngoái).
Cập nhật tình hình xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh nhà đến ngày 15/8/2024, tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu là 26 triệu USD (Trong đó, Kim ngạch xuất khẩu: 15,44 triệu USD; nhập khẩu: 10,56 triệu USD). Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là vật liệu xây dựng (sắt xây dựng, xi măng, tấm lợp, gạch lát nền...), hàng tiêu dùng do Việt Nam sản xuất: Xăng dầu, gas, máy móc, thiết bị, phương tiện tạm xuất - tái nhập phục vụ thi công công trình thuộc các dự án đầu tư; Các mặt hàng nhập khẩu: Gỗ các loại, quặng sắt, hàng nông, lâm, sản. Phương tiện XNC: 8.538 ô tô; Hành khách XNC: 38.086 hành khách.
Hoàng Giáp