Việt Nam là quốc gia đang trên đà phát triển, được đánh giá là thị trường nhiều tiềm năng với lợi thế dân số đông gần 100 triệu người, trong đó người trẻ chiếm tỷ lệ cao. Do vậy, Việt Nam luôn là thị trường bán lẻ có sức hút lớn đối với các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về thương mại nói chung và thương mại nội địa nói riêng, Bộ Công Thương xác định việc cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển, hiện đại hóa ngành phân phối là yêu cầu thiết yếu, tuy nhiên cần phát triển cân bằng giữa các kênh phân phối hiện đại và kênh phân phối truyền thống.
Quảng cảnh Hội nghị (Ảnh Bộ Công thương)
Bên cạnh việc tổng kết, đánh giá những kết quả đã đạt được của Dự án hỗ trợ kỹ thuật “Nâng cao năng lực và phát triển ngành dịch vụ phân phối tại Việt Nam giai đoạn 2”, Hội thảo cũng đã được nghe ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà quản lý, các doanh nghiệp, đặc biệt kinh nghiệm của Hàn Quốc là một trong số những nước có ngành phân phối bán lẻ phát triển hàng đầu thế giới, về những giải pháp giúp cho cơ quan quản lý nhà nước Việt Nam hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, khuyến khích sự tham gia của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy ngành phân phối Việt Nam phát triển theo hướng văn minh, hiện đại nhưng vẫn đảm bảo phát triển cân bằng giữa các loại hình phân phối truyền thống và hiện đại và hài hòa lợi ích giữa các Tập đoàn lớn và các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam, góp phần thực hiện mục tiêu của Chiến lược phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đóng góp cho sự phát triển của nền kinh tế.
Các đại biểu tham dự hội nghị (Ảnh Bộ Công thương)
Hội thảo đã gợi mở cho các nhà quản lý, các doanh nghiệp những vấn đề cần quan tâm để có những giải pháp, chính sách phù hợp thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa các kênh phân phối truyền thống và hiện đại, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động phân phối, lưu thông hàng hóa, phát triển và mở rộng thị trường.
Quỳnh Như