Liên Chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí chuyên nghiệp

24/09/2023 19:40 (GMT+7)
Chiều ngày 21-9-2023, tại Học viện Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Tạp chí Lý luận Chính trị tổ chức Hội thảo khoa học “Liên chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh với việc xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí chuyên nghiệp” nhằm định hướng hoạt động của Liên Chi hội đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Chủ trì Hội thảo có PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện, Chủ tịch Liên Chi hội, PGS,TS Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị, Phó Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Học viện. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo các chi hội Nhà báo Học viện, các nhà khoa học trong và ngoài Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Hội thảo tổ chức góp phần đề xuất và định hướng hoạt động của Liên Chi hội đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi cấp bách của nhiệm vụ xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ báo chí nói chung, đội ngũ cán bộ báo chí Học viện nói riêng trong bối cảnh mới.

Toà cảnh Hội thảo khoa học

Tại báo cáo đề dẫn nêu: Báo chí là mặt trận quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, là tuyến đầu xung kích trong công tác tư tưởng, lý luận. Đội ngũ những người làm báo Việt Nam thực sự là những chiến sĩ trên mặt trận đó, góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng trở thành vũ khí sắc bén, là công cụ đắc lực của Đảng; phát huy vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng, lý luận, không ngừng trưởng thành, vững mạnh, tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc.

Là một bộ phận của nền báo chí cách mạng Việt Nam, các cơ quan báo chí, Tạp chí của Học viện đã không ngừng lớn mạnh, có những đóng góp quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Học viện, vào công tác tư tưởng, lý luận của Đảng. Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện, Liên Chi hội Nhà báo Học viện đã được thành lập và ra mắt vào dịp Kỷ niệm 96 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21-6-2021. Liên Chi hội Nhà báo Học viện gồm 14 Chi hội nhà báo với tổng số hơn 200 hội viên, trong đó có 12 Chi hội cơ quan tạp chí, 2 Chi hội ở đơn vị nghiên cứu - giảng dạy thuộc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Liên chi hội Nhà báo Học viện lần thứ nhất, GS,TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương khẳng định: “Sự ra đời của Liên Chi hội Nhà báo Học viện là dấu mốc phát triển quan trọng của đội ngũ những người làm báo của hệ thống Học viện, tạo điều kiện cho các hội viên - cán bộ, biên tập viên các tạp chí, bản tin, giảng viên cơ sở đào tạo báo chí trong toàn hệ thống Học viện có môi trường và điều kiện được trao đổi chuyên môn, giao lưu, học hỏi, trau dồi đạo đức, phát triển kỹ năng nghề nghiệp”.

Trong bối cảnh khoa học công nghệ phát triển ngày một mạnh mẽ, Đại hội XIII của Đảng xác định cần “Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Ngày 6-4-2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 348/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược chuyển đổi số báo chí đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu đặt ra là Việt Nam sẽ có nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, đa nền tảng, đa phương tiện, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ số và xu hướng của truyền thông thế giới.

Do đó, xây dựng đội ngũ người làm báo chuyên nghiệp, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có đạo đức nghề nghiệp, thực sự tâm huyết, khách quan là nhiệm vụ hết sức quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh hiện nay. Tính chuyên nghiệp của nhà báo thể hiện ở các phẩm chất chính trị - xã hội, kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp; ở sự hiểu biết sâu sắc về các mối quan hệ, cơ chế vận hành trong lĩnh vực báo chí; ở sự tinh thông, thuần thục các kỹ năng nghề nghiệp; ở khả năng sử dụng và thích nghi với các loại hình phương tiện kỹ thuật hiện đại phục vụ cho hoạt động nghề nghiệp.

Trong nhiệm kỳ đầu tiên, Liên Chi hội Nhà báo Học viện ưu tiên tập trung xây dựng các chi hội vững mạnh, mở rộng hệ thống tổ chức hội và phát triển hội viên. Các Chi hội luôn đề cao hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ báo chí.

PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện, Chủ tịch Liên Chi hội phát biểu chỉ đạo 

PGS,TS Nguyễn Thắng Lợi, Tổng Biên tập Tạp chí Lý luận chính trị, Phó Chủ tịch Liên Chi hội phát biểu: “Chi hội Nhà báo Học viện trong những năm qua, để xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ báo chí ngày càng vững mạnh, Liên chi hội Nhà báo Học viện đã có nhiều hoạt động thiết thực như: tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, xuất bản hằng năm, lớp tập huấn công tác chế bản, tổ chức tọa đàm khoa học về công tác hội, tọa đàm về chuyển đổi số báo chí, Hội nghị công tác báo chí toàn hệ thống Học viện. Chi hội Nhà báo Tạp chí Lý luận chính trị là đơn vị đầu mối tổ chức lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, xuất bản cho toàn thể cán bộ báo chí Học viện...”

Tuy nhiên, bên cạnh đó, đội ngũ hội viên Liên Chi hội nhà báo Học viện còn một số thiếu sót, hạn chế trong công tác nghiệp vụ. Một bộ phận hội viên của các chi hội còn chưa được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ báo chí, xuất bản, ít kinh nghiệm trong công tác biên tập, trị sự và quản lý tòa soạn, đặc biệt là tòa soạn trong thời đại số hiện nay. Cán bộ làm công tác báo chí, bản tin tại các viện chuyên ngành hầu hết là cán bộ, giảng viên, nghiên cứu viên, chuyên viên làm việc kiêm nhiệm, nên chưa dành thời gian thỏa đáng và công sức cần thiết để phát triển hoạt động nghiệp vụ báo chí.

PGS, TS Nguyễn Ngọc Oanh - Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Muốn có đội ngũ nhà báo chuyên nghiệp thì điều mấu chốt là cần phải có đội ngũ giảng viên, những người làm công tác đào tạo báo chí chuyên nghiệp. Với đặc thù của mình, Liên chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia HCM là nơi tập hợp những nhà báo, đặc biệt là những giảng viên báo chí chuyên nghiệp, có nghiên cứu chuyên sâu về lý luận và thực tiễn trong đào tạo nhà báo. Do vậy, đây là nơi có vai trò quan trọng định hướng phát triển lý luận báo chí truyền thông cũng như tăng cường nghiên cứu chuyên sâu về báo chí truyền thông và những kỹ năng nghề nghiệp khác. Người làm công tác nghiên cứu và giảng dạy báo chí truyền thông cần thích nghi với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và phương thức truyền thông, cũng như đảm bảo rằng họ vẫn giữ được vai trò quan trọng trong việc sản xuất, truyền tải và đánh giá thông tin trong xã hội số hóa”.

TS Nguyễn Dương Hùng - Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phát biểu: “Sự ra đời của Liên Chi hội Nhà báo Học viện là cơ sở giúp Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện cũng như Hội Nhà báo Việt Nam trong việc quản lý, triển khai và tổ chức các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ liên quan đến báo chí; trong việc xây dựng các quy định, quy chế hoạt động của mỗi cơ quan báo chí cũng như toàn Liên Chi hội theo hướng đồng bộ, hệ thống trong thực hiện nhiệm vụ chung của hệ thống Học viện và trong hệ thống báo chí quốc gia; hơn nữa, sự ra đời của Liên Chi hội cũng là điều kiện để tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là những chuyên môn, nghiệp vụ theo hướng xây dựng nền báo chí hiện đại, chuyên nghiệp, cho đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí ở Học viện hiện nay.”

TS Nguyễn Thị Lan - Tạp chí Lý luận chính trị cho rằng: “Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng là cần phải xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại. Đây được coi là mục tiêu, nhiệm vụ, đồng thời là chiến lược xây dựng, củng cố công cụ sắc bén trong công tác tư tưởng của Đảng. Việc xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác báo chí chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại có ý nghĩa quan trọng, quyết định sự tồn tại và phát triển cũng như trong đạt được các mục tiêu xây dựng nền báo chí của Việt Nam”.

TS Hoàng Anh Tuấn - Tạp chí Người Làm Báo – Cơ quan lý luận nghiệp vụ - Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu: “Hội Nhà báo Việt Nam là tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp của những người làm báo Việt Nam, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước. Trải qua gần 100 năm phát triển của nền báo chí cách mạng Việt Nam, có thể khẳng định, chưa bao giờ có đội ngũ những người làm báo lớn mạnh, hùng hậu như hiện nay. Trên 23.700 hội viên sinh hoạt tại 63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố, 20 Liên chi hội và 218 Chi hội trực thuộc Trung ương. Trong mỗi nhiệm kỳ kết nạp bình quân mỗi năm gần 2000 hội viên, đây là con số cao nhất từ trước đến nay. Tổ chức Hội có mặt tại hầu hết các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương và các bộ, ngành, đoàn thể. Trong đó có Liên chi hội Nhà báo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Mặc dù là liên chi hội mới thành lập, nhưng là một trong những tổ chức liên chi hội lớn và đi đầu trong phong trào xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí chuyên nghiệp”.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí chuyên nghiệp, cần phải đẩy mạnh hoạt động tập hợp lực lượng, xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí chuyên nghiệp, chú trọng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, tư tưởng, rèn luyện bản lĩnh, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho hội viên. Tạo điều kiện để các hội viên tham gia nghiên cứu thực tế, trải nghiệm thực tiễn; tham gia nghiên cứu khoa học, được giao chủ trì hoặc tham gia các đề tài nghiên cứu phục vụ trực tiếp cho hoạt động báo chí.

PGS, TS Dương Trung Ý, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Liên Chi hội Nhà báo Học viện kết luận một số nội dung quan trọng như sau: “Một là, Hội thảo đã làm rõ tính cấp thiết của việc xây dựng đội ngũ báo chí chuyên nghiệp và những phẩm chất cần có của cán bộ báo chí chuyên nghiệp; Hai là, các tham luận tại Hội thảo đã đánh giá thực trạng đội ngũ báo chí của Học viện; những khó khăn, thuận lợi. Ba là, Hội thảo đã phân tích, làm rõ vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Học viện với xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí chuyên nghiệp của Học viện; Bốn là, Hội thảo đã đề xuất các giải pháp phát huy vai trò của Liên Chi hội Nhà báo Học viện với xây dựng đội ngũ báo chí chuyên nghiệp, vững mạnh”.

Có thể thấy rằng, đội ngũ cán bộ báo chí Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh vừa là nhà báo, nhà giáo, nhà khoa học; có vai trò và trọng trách lớn lao góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí cách mạng Việt Nam chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; đồng thời là những chiến sĩ xung kích trên mặt trận tư tưởng lý luận của Đảng, có trách nhiệm tuyên truyền, giáo dục tư tưởng lý luận, làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu và tin tưởng vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội; củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, cùng chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong thời gian tới, với vai trò là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo, Liên Chi hội nhà báo Học viện cần tiếp tục phát huy sứ mệnh là đại diện của những người làm công tác thông tin, tuyên truyền trên các Tạp chí khoa học trong hệ thống Học viện; thực hiện chức năng bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các cán bộ báo chí; đồng thời tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ báo chí, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên, đáp ứng yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ báo chí chuyên nghiệp, hiện đại./.

Hoàng Anh Tuấn - Minh Quân

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Hoạt động Hiệp Hội
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.