Tham dự Hội thảo, về phía đại biểu khách mời có ông Bùi Bá Nghiêm – Chuyên viên cao cấp, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương; TS Trịnh Thị Thanh Thuỷ - Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công thương; TS Trần Thị Hải Yến – Viện Kinh tế và Chính trị thế giới, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; Ông Vũ Minh Quân – Trưởng ban bạn đọc, và các Phóng viên của Tạp chí Kinh doanh và Biên mậu Việt Nam; cùng các học giả, nhà nghiên cứu đến từ các Hiệp hội, Trung tâm, Viện nghiên cứu, và các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội.
Về phía Trường ĐH Ngoại thương có PGS.TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng; TS Vũ Huyền Phương – Phó Trưởng phòng Quản lý khoa học, cùng các giảng viên, sinh viên đến từ các Khoa/ Viện chuyên môn của Nhà trường.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS Đào Ngọc Tiến cho biết "Hợp tác kinh tế biên giới đang là xu thế tỏ rõ sự hiệu quả vì lợi ích chung của các bên tham gia, đặc biệt với các quốc gia có đường biên giới dài như Việt Nam. Bên cạnh đó, với yêu cầu phát triển thương mại biên giới bền vững, đặt trong bối cảnh Quảng Ninh là một tỉnh biên giới trọng điểm, có vị trí chiến lược, quan trọng và tiên quyết trong quan hệ thương mại biên giới với Trung Quốc, đề tài “Giải pháp phát triển thương mại biên giới tỉnh Quảng Ninh” hướng tới mục tiêu tìm ra giải pháp phát triển thương mại biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc tại tỉnh Quảng Ninh; qua đó, đóng góp cho sự phát triển kinh tế xã hội tại tỉnh Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung".
Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đại diện cục Xuất nhập khẩu (Bộ công thương) ông Bùi Bá Nghiêm đã có những đánh giá về vai trò và lợi ích của việc phát triển kinh tế biên mậu ở Việt Nam: Trong thời gian qua, kinh tế biên mậu, hoạt động thương mại qua biên giới dưới các hình thức xuất nhập khẩu hàng hoá qua biên giới, buôn bán tại các chợ (chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu) và trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới, đã góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao đời sống người dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của các tỉnh có biên giới đất liền của Việt Nam với Trung Quốc, Lào, Cambodia.
Bên cạnh đó cơ sở hạ tầng, dịch vụ vùng biên giới, cửa khẩu ngày càng được đầu tư phát triển, bến bãi vận tải, giao nhận hàng hoá phục vụ xuất nhập khẩu đã được nâng cấp, mở rộng. Tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu kinh tế - thương mại, văn hoá - xã hội qua biên giới. Hoạt động quản lý điều hành tại các cửa khẩu đã có nhiều tiến bộ; các thủ tục hành chính, thủ tục xuất nhập cảnh người và phương tiện phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá đã được đơn giản hoá.
Ngoài ra việc hợp tác kinh tế biên mậu cũng đã góp phần củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị, láng giềng truyền thống và hợp tác toàn diện giữa các nước có chung biên giới với chúng ta, thúc đẩy giao lưu kinh tế, văn hoá – xã hội, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, mở rộng thị trường, cải thiện đời sống xã hội, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho người lao động, nâng cao dân trí và củng cố an ninh quốc phòng tại khu vực biên giới.
Các thành phần tham gia vào hoạt động thương mại biên giới ngày càng đa dạng và phong phú. Qua đó góp phần giải quyết việc làm cho nhiều người lao động không chỉ tại các cửa khẩu, các huyện biên giới mà còn người lao động ở nhiều tỉnh khác. Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu có nhiều thay đổi, tình hình hoạt động của tội phạm ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên tuyến biên giới được kiểm soát; an ninh trật tự trên tuyến biên giới được giữ vững, ổn định.
Nêu bật lợi thế của tỉnh Quảng Ninh, TS.Trần Thị Hải Yến (Viện kinh tế và chính trị thế giới viện hàn lâm KHXK Việt Nam) nhận định: Tỉnh Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong 7 tỉnh, thành phố tại Việt Nam có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, hiện tại có 1 cửa khẩu quốc tế với 2 lối thông quan là cầu Bắc Luân I và cầu Bắc Luân II. 2 cửa khẩu quốc gia ,1 cảng khẩu Vạn Gia, 1 cửa khẩu phụ Ka Long, 2 lối mở biên giới (trong đó lối mở Km3+4 Hải Yên đã hoạt động ổn định từ nhiều năm nay, lối mở Pò Hèn - Thán Sản dự kiến thông quan trong thời gian tới. Ngoài ra Quảng Ninh còn có 3 khu kinh tế cửa khẩu nằm trong quy hoạch phát triển được Thủ Tướng Chính Phủ phê duyệt đã có quyết định thành lập: Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái gắn với cửa khẩu Móng cái, khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô- Đồng Văn (Huyện Bình liêu) và khu kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Huyện Hải Hà). Với lợi thế về vị trí địa lý, hạ tầng giao thông, lịch sử giao thương lâu dài. Những yếu tố quan trọng này tạo điều kiện thuận lợi để Quảng Ninh phát triển các ngành công nghiệp, chế biến sản phẩm theo hướng xuất khẩu, trở thành trung tâm logistics, trung tâm dịch vụ phục vụ đắc lực cho phát triển kinh tế cả vùng.
Với hơn 30 tham luận của các chuyên gia, học giả, nhà quản lý chính sách, nhà khoa học, quản trị doanh nghiệp, các giảng viên và sinh viên đến các trường đại học tại Việt Nam. Các bài tham luận đã mang đến hội thảo những góc nhìn đa chiều từ phía các nhà quản lý chính sách, phía viện nghiên cứu và nhóm thực hiện đề tài để bổ sung thêm vào nội dung về các vấn đề hiện hữu trong thương mại biên giới của Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế, những thách thức và cơ hội mở ra cho các doanh nghiệp tại các tỉnh biên giới Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, cũng như những kinh nghiệm của các quốc gia trong việc thúc đẩy và phát triển các hoạt động thương mại biên giới.
Hội thảo đã thành công tốt đẹp và mang đến nhiều giá trị nghiên cứu cho sự phát triển thương mại biên mậu tại Việt Nam, giúp các sinh viên, giảng viên, các nhà khoa học, chuyên gia và đại biểu tham dự trao đổi, chia sẻ, phản biện những vấn đề liên quan đến phát triển thương mại biên giới của Việt Nam nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Trung Nguyên - Phi Hùng