Nhà văn Kim Dung, tác giả của nhiều tiểu thuyết võ hiệp nổi tiếng (Trung Quốc)
Tiểu thuyết gia võ hiệp
Nhà văn Kim Dung sinh năm 1924 tại Triết Giang (Trung Quốc), tên thật là Tra Lương Dung. Ông được coi là tác giả nổi tiếng của các tiểu thuyết kiếm hiệp xuất sắc nhất thế kỷ XX như: Tiếu Ngạo Giang Hồ, Anh hùng xạ điêu, Thần điêu đại hiệp, Ỷ thiên đồ long ký, Lộc Đỉnh Ký... Nhiều độc giá mến mộ truyện võ hiệp mệnh danh ông là "Võ lâm minh chủ".
Trong văn học Trung Quốc, Kim Dung được xem là cha đẻ của thể loại kiếm hiệp. Nhiều chuyên gia nghiên cứu tác phẩm của Kim Dung cho rằng, ông rất giống với nhân vật “Lão ngoan đồng” trong tác phẩm “Anh hùng xạ điêu”, thích vui chơi, phiêu bạt, nay đây mai đó. Thực tế, ngoài đời, Kim Dung cũng là một người ưa hoạt động, ông thay đổi công việc liên tục, thậm chí từng làm nhiều việc một lúc trong cùng một thời điểm.
Được biết, trước khi đến với nghiệp sáng tác văn chương, ông từng có thời gian là nhà báo, biên tập viên báo chí. Đồng thời ông cũng là người sáng lập tờ Minh Báo nổi tiếng tại Hong Kong.
Kim Dung được đánh giá là một trong những nhà văn ảnh hưởng nhất của văn học Trung Quốc hiện đại. Những tác phẩm của ông dù đã ra đời từ lâu nhưng vẫn luôn nằm trong top những tác phẩm ăn khách nhất trong giới nhà văn Trung Quốc. Với hơn 300 triệu cuốn sách đã được bán tới tay độc giả trên khắp thế giới, ông được đánh là một trong số các nhà văn Trung Quốc có tác phẩm bán chạy nhất từ trước đến nay.
Bạn đọc Việt Nam biết đến ông từ khi dịch giả Tiền Phong Từ Khánh Phụng đưa tiểu thuyết kiếm hiệp “Cô gái Đồ Long” (Ỷ thiên Đồ long ký), đăng trên báo Đồng Nai năm 1961. “Cô gái Đồ Long” đã tạo nên cơn sốt truyện Kim Dung trong các tầng lớp độc giả từ bình dân đến trí thức. Đến năm 1999, Công ty Văn hóa Phương Nam là công ty đầu tiên mua bản quyền dịch tác phẩm Kiếm hiệp của Kim Dung, thông qua thương lượng trực tiếp với nhà văn.
Từ năm 2001, toàn bộ tác phẩm võ hiệp của Kim Dung lần lượt được dịch lại và phát hành ở Việt Nam theo các bản hiệu đính mới nhất. Các dịch giả gồm có Cao Tự Thanh, Vũ Đức Sao Biển, Lê Khánh Trường, Đông Hải, Hoàng Ngọc (Huỳnh Ngọc Chiến) đã lần lượt được dịch sang tiếng Việt như: “Anh hùng xạ điêu”, “Thần điêu đại hiệp”, “Ỷ thiên Đồ long ký”, “Lộc đỉnh ký”, “Tiếu ngạo giang hồ”, “Thiên long bát bộ”...
Kim Dung và con gái Tra Truyền Nột
Các tác phẩm văn học sẽ còn mãi
Kim Dung được biết đến như một tiểu thuyết gia Võ hiệp. Ông có tổng cộng 15 cuốn tiểu thuyết kinh điển. Thành công của những bộ truyện đó khiến ông được coi là người viết tiểu thuyết võ hiệp thành công nhất. Đến nay, sách của ông vẫn liên tục được tái bản và dịch ra hang chục ngôn ngữ khác nhau. Không những thế. Rất nhiều tác phẩm của ông đã được chuyển thể thành phim truyền hình hay trò chơi điện tử.
Những tác phẩm của ông đã tạo lập nên một thế giới giả tưởng hấp dẫn công chúng tại nhiều nước trong khu vực Á Đông. Người ta gọi đó là "giang hồ", một thế giới giả tưởng của những anh hùng, những người trong giới võ lâm, cùng nhau hành tẩu giang hồ, hành hiệp trượng nghĩa, trừ gian diệt ác. Trong thế giới ấy, có những môn võ, phái võ, những ngón đòn kinh điển, tạo nên một thế giới võ hiệp rất riêng của Kim Dung. Hơn nữa thông qua các nhân vật, những chuẩn mực đạo đức, hành xử được đề cao sự hào hiệp, trượng nghĩa, phóng khoáng.
Kim Dung được nhiều dịch giả Việt Nam đánh giá là về cách viết kiếm hiệp tài hoa. Nhà văn Vũ Đức Sao Biển là người đầu tiên viết khảo luận về Kim Dung, các bài của ông đăng trên tập san Kiến thức ngày nay, sau in thành bộ Kim Dung giữa đời tôi.
Trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài, dịch giả Nguyễn Duy Chính được xem là người có các bản dịch với chất lượng dịch tốt, điển hình như các bản dịch "Thiên long bát bộ" và "Ỷ thiên Đồ long ký". Nguyễn Duy Chính cũng viết một số khảo luận về các yếu tố văn hóa Trung Hoa trong tác phẩm của Kim Dung.
Giờ đây ông đã về với đất mẹ, để lại bao thương nhớ, tiếc nuối cho người thân, gia đình bạn bè. Thế nhưng có một điều chắc chắn, hình ảnh về ông sẽ còn đọng mãi trong lòng đọc giả, bởi các tác phẩm văn học của ông còn mãi. Tiểu thuyết gia Kim Dung vẫn thực sự là cây đại thụ trong của văn học Trung Quốc và thế giới.
Hiền Anh (Tổng hợp)