Vì sao Miền Trung & Tây Nguyên được các doanh nghiệp Hàn Quốc lựa chọn?

16/12/2020 10:40 (GMT+7)
Tại khu vực miền Trung – Tây Nguyên, Hàn Quốc là nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 với 368 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 4,38 tỷ USD, chiếm 16,96% tổng vốn FDI. Các doanh nghiệp Hàn Quốc cho rằng thủ tục hành chính và chất lượng nguồn nhân lực vẫn là điểm yếu mà khu vực cần phải khắc phục.
Miền Trung & Tây Nguyên làm gì để thu hút đầu tư từ Hàn Quốc
Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá miền Trung - Tây Nguyên là điểm đến đầu tư hấp dẫn hậu Covid - 19

Điểm đến tiềm năng hậu Covid – 19

Chiều 8/12, tại Đà Nẵng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư tổ chức hội thảo “Đối thoại Doanh nghiệp Hàn Quốc về tạo thuận lợi đầu tư và kinh doanh khu vực miền Trung – Tây Nguyên”.

Theo ông Vũ Văn Chung – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), tại miền Trung – Tây Nguyên, trong 09 tháng đầu năm 2020, Hàn Quốc là đối tác dẫn đầu về tổng vốn đăng ký đầu tư vào khu vực, đạt 79,41 triệu USD với 23 dự án đăng ký đầu tư mới, tập trung vào các lĩnh vực chế biến chế tạo, hoạt động chuyên môn công nghệ, dịch vụ lưu trú và ăn uống.

Lũy kế đến nay, đối tác Hàn Quốc đã đầu tư 368 dự án tại các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung – Tây Nguyên với tổng vốn đăng ký đầu tư đạt 4,38 tỷ USD, chiếm 16,96% của cả khu vực (xếp vị trí thứ hai sau Singapore). Doanh nghiệp Hàn Quốc đã có mặt hầu hết trong các ngành, lĩnh vực thế mạnh của các địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên như công nghiệp nặng, bất động sản, du lịch, dệt may, sản xuất gia công và chế biến, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp…

Với những tiềm năng về vị trí chiến lược, nguồn tài nguyên thiên nhiên, nguồn nhân lực dồi dào, hệ thống hạ tầng ngày càng hoàn thiện, ưu thế về phát triển bất động sản du lịch với hàng loạt di sản văn hóa, bờ biển dài và đẹp…. kết hợp với các “thế mạnh” mới như các Hiệp định thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và nhiều quốc gia, đối tác trên thế giới (EVFTA, EVIPA, CPTPP, VKFTA…), những cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư mang tính đột phá, nhiều địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên đang trở thành điểm đến đầu tư tin cậy và an toàn của các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Theo ông Lee Sungnyng, Giám đốc KOTRA tại Đà Nẵng, tiêu chí ưu tiên lựa chọn điểm đến đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn đã có sự thay đổi từ ưu tiên chi phí sang ưu tiên điểm đến có tính ổn định và an toàn. Và Việt Nam là một “ứng viên” sáng giá đảm bảo được những tiêu chí đó nhờ khống chế tốt dịch Covid – 19. Trong đó, miền Trung – Tây Nguyên Việt Nam có lợi thế giá thuê đất thấp hơn rất nhiều so với 2 đầu Bắc Nam vì vậy, dự kiến miền Trung sẽ là điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư trong thời gian tới. Trên thực tế sự quan tâm của doanh nghiệp Hàn Quốc đối với miền Trung Việt Nam đang tăng lên từng ngày.

Còn ông Lee Jin Kyo – Phó Giám đốc Công ty C&N Vina đánh giá điểm nổi bật nhất của miền Trung – Tây Nguyên là chính quyền các địa phương trong khu vực rất nhiệt tình, tích cực hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Miền Trung & Tây Nguyên làm gì để thu hút đầu tư từ Hàn Quốc
Các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên cần tích cực cải cách thủ tục hành chính và có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để thu hút các nhà đầu tư chất lượng, trong đó có nhà đầu tư Hàn Quốc

Ông Kim Kyung Hwan, Tổng giám đốc Công ty Hyosung Quảng Nam cho biết, công ty đã được tỉnh Quảng Nam và các ban, ngành hỗ trợ tích cực và hiệu quả trong việc thực hiện các thủ tục hành chính nhanh chóng và đúng thời hạn. Khu vực miền Trung – Tây Nguyên cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn tất, giúp việc thông thương thuận lợi, giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh. “Công ty chúng tôi và nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn sẽ đầu tư liên tục và sẽ gia tăng đầu tư vào khu vực miền Trung Việt Nam”, ông Kim Kyung Hwan chia sẻ.

Doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn gì?

Theo các nhà đầu tư Hàn Quốc, những vướng mắc trong thủ tục hành chính và sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang là những điểm yếu lớn nhất mà khu vực miền Trung – Tây Nguyên cần phải khắc phục.

Ông Kim Kyung Hwan cho biết, Hyosung Quảng Nam luôn coi người lao động là tài sản quan trọng nhất và để doanh nghiệp có thể tuyển dụng được nguồn nhân lực chất lượng cao thì cần có một cơ chế phối hợp giữa doanh nghiệp, các trường đại học để cùng đào tạo, tạo điều kiện cho sinh viên có môi trường làm việc và cơ hội tuyển dụng tốt hơn.

Còn ông Lee Jin Kyo cho hay dù đã được tạo nhiều thuận lợi, đơn vị vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến các thủ tục cấp giấy phép cho các nhà đầu tư thứ cấp khá phức tạp về giấy tờ và thời gian xử lý lâu; rất nhiều nhà đầu tư gặp phải vấn đề khó khăn về thủ tục hành chính (cấp giấy phép đầu tư, giấy phép xây dựng, đánh giá môi trường...). Đơn vị cũng còn gặp khó khăn trong tiếp cận các thông tin, chính sách, nhất là các chính sách mới.

“Sự chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính dù rất nhỏ cũng có thể ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của doanh nghiệp”, Giám đốc KOTRA tại Đà Nẵng – ông Lee Sungnyng nhấn mạnh và mong muốn các địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên sẽ làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính.

Miền Trung & Tây Nguyên làm gì để thu hút đầu tư từ Hàn Quốc
Giám đốc KOTRA tại Đà Nẵng khuyến nghị các địa phương miền Trung - Tây Nguyên đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư bằng hình thức trực tuyến (Ảnh: Hội nghị trực tuyến thu hút đầu tư Hàn Quốc do TP. Đà Nẵng tổ chức ngày 3/12 vừa qua)

Ông Lee Sungnyng cũng khuyến nghị các địa phương khu vực miền Trung – Tây Nguyên nên đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư bằng hình thức trực tuyến. Điều này vừa khắc phục được khó khăn về “chướng ngại” dịch bệnh, vừa đảm bảo không làm gián đoạn hoạt động thu hút đầu tư. Bên cạnh đó, trong bối cảnh dịch Covid – 19 còn phức tạp, thay vì thu hút thêm nhiều dự án mới, các địa phương có thể “chăm sóc” hỗ trợ các doanh nghiệp đã đầu tư để họ mở rộng đầu tư hoặc tăng vốn đầu tư. “Nhìn từ Hàn Quốc, tại đất nước chúng tôi, số vốn đến từ việc tái đầu tư của doanh nghiệp chiếm tới 60% tổng vốn đầu tư”, ông Lee Sungnyng nói và khuyến nghị các địa phương của Việt Nam có thể tham khảo mô hình “hệ thống thẩm tra hỗ trợ doanh nghiệp đã thành lập” của Hàn Quốc để áp dụng.

Ông Vũ Văn Chung – Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư): Mặc dù kinh tế thế giới chịu tác động tiêu cực và dự báo sẽ suy thoái bởi Covid – 19 thì Việt Nam, với sự chủ động ứng phó với Covid – 19, trở thành một trong rất ít nền kinh tế trên thế giới duy trì được mức tăng trưởng GDP dương (dự kiến 2 – 3%), xuất nhập khẩu 11 tháng năm 2020 đạt gần 340 tỷ USD, xuất siêu đạt 32,1 tỷ USD.

Trong khi dòng vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu được dự báo suy giảm tới 40% trong năm 2020 do tác động của đại dịch Covid-19, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong 11 tháng đầu năm 2020 vẫn khả quan, đạt 26,43 tỷ USD, trong đó nhà đầu tư Hàn Quốc có tổng vốn đăng ký đạt hơn 3,7 tỷ USD (xếp thứ 02 sau Singapore).

Hàn Quốc là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, là đối tác FDI lớn nhất tại Việt Nam, chiếm 18,5% tổng vốn FDI tại Việt Nam, đóng góp tới hơn 25% tổng giá trị xuất khẩu và từng bước xây dựng các chuỗi cung ứng chiến lược tại Việt Nam. Việt Nam là đối tác hợp tác kinh tế hàng đầu trong Chính sách Hướng Nam mới, đối tác kinh tế lớn nhất của Hàn Quốc tại khu vực ASEAN.

Theo Congthuong.vn

Kích thước font In ấn

Bình luận chia sẻ

Đầu tư
amity.com.vn
Hi fpt
https://tanadaithanh.vn/
winvoucher.winmart.vn
http://gfs.com.vn
http://www.vafood.com.vn/
Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam
Cơ quan chủ quản: Hiệp hội Thương nhân kinh doanh biên mậu Việt Nam
Số giấy phép: số 450/GP-BTTTT, cấp ngày 8/10/2020, cấp bởi Bộ Thông tin và Truyền thông
 139 đường Nghi Tàm, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.


Tổng biên tập: Ông Phạm Bá Dục
Tổng thư ký: Ông Phạm Hoàng Vũ
Email: kinhdoanhvabienmau@gmail.com
Mọi thông tin bạn đọc vui lòng liên hệ đường dây nóng: 0865191826
® Bản quyền thuộc về Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam, mọi sao chép phải được sự đồng ý bằng văn bản của Tạp chí điện tử Kinh Doanh và Biên mậu Việt Nam.